Cover

Cover

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Bà mất

 


Hôm qua bà tôi mất. Loay hoay qua lại, ba tôi bảo: mày viết điếu văn đi. Tôi khá hoang mang, văn phong tôi mà viết điếu văn có khi lại thành "đéo văn" mất. 


Vì có lẽ, tôi sẽ bắt đầu bài điếu của mình thế này:


Kính thưa quý ông bà, quý cô dì chú bác và các anh em. Tôi xin thay mặt gia quyến, cám ơn tất cả đã ở cùng chúng tôi cho đến tận giây phút này.


Tôi không muốn bắt đầu bài điếu văn này một cách bình thường bởi lẽ Bà tôi là 1 người phụ nữ phi thường, bà đã sống trọn vẹn 1 cuộc đời vô thường của mình.


Bà là mẹ của 12 đứa con cả dâu rể. Tất cả đều ngoan hiền, thành người và hiếu thảo. Khi đã đi qua gần hết những khó khăn của giai đoạn "những đứa con thơ" thì ông tôi lại sớm ra đi, để lại bà một mình mạnh mẽ bước tiếp.


Và vì có lẽ, bà là người phụ nữ mạnh mẽ cả cuộc đời, thế nên khi ra đi, cái chết lại đến với bà một cách nhẹ nhàng nhất - nó đến như một giấc ngủ bình yên kéo dài.


Tôi còn nhớ, những ngày thơ bé, mỗi lần đi học về, tôi đều ghé qua chỗ sạp bà bán cà pháo, dưa muối. Với cái suy nghĩ vụn vặt của một đứa trẻ, tôi biết ở đó, bà sẽ mang cà pháo đi đổi lấy cho tôi bịch chè, tấm bánh. 


Ngày đấy "cà pháo bà Toàn" là 1 thương hiệu có tiếng. Cho đến khi nghỉ bán, thì tay nghề làm mấy món đồ muối chua của bà vẫn không lụi đi. Những dĩa kim chi muối tết của bà, tôi có thể ăn hoài không ngán. Đến mức sau tết, nếu bà có lỡ muối nhiều quá mà còn dư, thì tôi sẽ bao thầu hết cái đám ấy để ăn dần. Ấy thế mà tết năm nay, tôi lại không thể nếm lại cái vị xưa cũ ấy. Vì bà mệt nên chẳng thể làm.


"Bà Toàn" - bà ngoại tôi không phải tên Toàn, nhưng mọi người và ngay cả tôi cũng gọi thế chỉ vì Ông ngoại tôi tên Toàn.

Rõ khổ, một người phụ nữ, sau những tần tảo, hy sinh vất vả nhưng đến cái tên gọi cũng chỉ được gọi theo tên chồng mình. Nhưng có lẽ, bà tôi với sự rộng lượng và tình yêu to lớn của mình, bà vui vì việc ấy.


Tôi lại chợt thấy hình ảnh, bà chăm bế tôi những ngày còn bé khi ba mẹ tôi bận việc lên trường. Cho đến những lần lén lút dúi vào tôi ít chục nghìn khi tôi còn đang học cấp 3 với lời dặn: giữ dằn túi, còn dẫn bạn gái đi ăn chè. Những tưởng, người già khó lắm, nhưng bà lại tâm lý không tưởng.


Đấy! Đôi khi, người ta nhớ đến nhau chỉ bởi những thứ nhỏ nhoi và vụn vặt ấy.


Tuy nhiên, là một con người, nên chắc chắn, khi bà tôi còn sinh thời, sẽ có những điều bà làm chưa tốt, chưa đẹp lòng tất cả. Nhưng tôi tin, vào giây phút này, với những người thân hữu đang đứng ở đây, ai cũng sẽ chỉ còn lại những kỉ niệm tốt đẹp với bà.


Và trong giây phút này, chúng ta hãy dành hết những kỉ niệm đẹp đẽ ấy, để mỉm cười chào tạm biệt lần cuối và gửi lời cầu chúc đến bà tôi - bà Maria Phạm Thị Phượng. Mong bà sớm được cùng ông tôi, tay trong tay, ngồi cạnh nhau ở nơi đầy ánh hào quang của Thiên Chúa và mãi mãi an nghỉ hạnh phúc trong vòng tay Ngài.

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Chuyện cắt bánh chưng bằng dây lạt hay dây chỉ?

 


Mới sáng sớm, 2 ông bà (bame tôi) đã ì xèo với nhau vụ cắt cái bánh chưng còn lại sau mấy ngày tết để ăn sáng.


Đấy là món "truyền thống của những ngày còn trong mùng" . Chỉ khác là càng về sau càng phải chiên giòn, càng phải ăn với nhiều đồ chua, kiệu ngọt hơn vì để cho qua đi cái sự ngán và ngấy.


Quay lại chuyện cắt cái bánh. Ông ba thì quả quyết, cắt luôn bằng dây lạt vì nó sinh ra phải vậy, miệng ông nói và tay ông làm. Còn bà mẹ thì khẳng định, nên cắt bằng sợi chỉ thì bánh mới đẹp. Miệng bà nói và chân đi tìm chỉ nhưng cho đến lúc ông ba cắt xong cái bánh chưng thì bà vẫn chưa làm gì cả và miệng vẫn nói :)). (Nói thế thôi chứ chuyện bếp núc bà vẫn làm hết.)


Vụ trên là 1 trong số ít những câu chuyện gây nên khủng hoảng âm thanh ở nhà tôi.


Ông bà hoàn toàn không khắc khẩu, mà lại còn "thuận khẩu" . Đấy mới là vấn đề.


4h sáng ông bà dậy là bắt đầu nói chuyện với nhau. Đi lễ/đám cưới/ siêu thị thì nói chuyện từ lúc đi đến lúc về. Coi film cùng nhau cũng nói. Ông ba mới trên trường về gặp nhau lại tiếp tục kể chuyện trường lớp và ngược lại. Và khi đã hết chuyện ngoài đời, thì sẽ tới nguồn cung bất tận: chuyện trên mạng.


Đôi khi tôi còn phải ngẩng mặt lên trời, buông câu cảm thán với lão già trên đó: chuyện đâu mà lắm thế hả ông??!!


Có thời gian, sau khi sống trên thành phố đủ lâu. Có những ngày quay lại nhà thì cả tôi và thằng em đều cảm thấy vui vẻ ngày đầu, vì trái ngược với hỗn âm trên thành phố thì được nghe tiếng thân quen của bame tôi. Thế nhưng, chỉ đến ngày thứ 3 thì bọn tôi không tài nào chịu nổi: Mới mở mắt ra là đã được nghe chuyện ông bà, rồi quay sang chuyên ông bà hỏi tôi - kiểu như tôi đã tỉnh ngủ từ rất lâu rồi.


Đấy, khi còn đang viết, thì ngoài kia ông ba đã ngẫu hứng hát 1 đoạn  và mẹ đang tiếp tục kể chuyện cái bánh chưng mà tôi mới chiên thật biết cách: giòn bên ngoài, ngọt bên trong :)))....


Rõ mệt, tôi ít nói nhưng sao bame tôi lại nhiều lời đến thế. Mà lại còn đang có truyền nhân vụ nói nhiều này nữa. Đấy là thằng con tôi - là tương lai của tôi :((


Tôi đã thấy, phía trước, ắt hẳn là bầu trời, ngoài mây trời thì còn có thật nhiều âm thanh.

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Kiểu tóc của ba

 



Kiểu tóc truyền thống


Ngày bé, chỉ mãi để được 1 kiểu tóc này, phần lớn là ông ba dẫn đi cắt ở bác cắt tóc gần nhà. Tất cả các lần, đều 1 kiểu, đó là kiểu như ba mình. 


Ba mình ngày trẻ, coi mấy tấm hình thấy có thời gian để tóc dài kiểu nghệ sỹ. Nhưng từ ngày nào đó, lúc mình biết để ý, thì chỉ 1 kiểu chải hẳn 1 bên, rẽ rất kĩ - đến giờ ông vẫn còn áp dụng cho con mình, kể cả trai lẫn gái. Mỗi lần tắm xong mà để cho ông nội chải tóc cho cháu thì không khỏi phì cười mỗi lần nhìn tóc cháu gái.


Mình thì từ lúc dậy thì, đã bắt đầu manh nha qua mặt đổi kiểu tóc - cái thời mà anh Đan trường rẽ ngôi giữa thần thánh, rồi chúng bạn xung quanh, nào là 5-5, 4-6 thì mình vẫn kiểu cũ - kiểu của ba.


Lần đó mình đi cắt tóc 1 mình, đánh liều cắt hơi khác đi 1 chút 3.5 - 6.5, nhưng về nhà đéo dám để, sợ ba mình mệt vì đánh mình.


Rồi thì, vào mùa hè năm ấy (mùa hè năm lớp 7 lên 8), mình xuống tóc, trong sự ngỡ ngàng của anh cắt tóc đến gia đình mình, rồi đến cả cái cmnd đầu đời.

Sau khi ủi thật sát, lão cắt tóc buông nhẹ: Con thầy giáo mà cắt kiểu này. Là mình thấy bữa tối của mình có vẻ bất an rồi.


Sau đó, lên ĐH, mình bắt đầu để kiểu - cắt sao cho gọn và không phải chải. Rồi cũng đến mấy lần cắt "húi cua" các kiểu. Ba thì ông đánh nữa, nhưng mẹ thì nhìn mình chán chường ra mặt, có lần còn đéo thèm nhìn mặt mình.


Rồi đấy, từ 4-6, đến undercut rồi "húi cua - đại gia' các kiểu. Nhưng sau tất cả, vào cái tuổi - của ba mình ngày trước - mình lại chọn lại "kiểu của ba" - như ngày thơ bé.


Tết rồi. Nghỉ ngơi thôi. Cậu bé.