Cover

Cover

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

10 bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci

10 bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci\


Leonardo da Vinci (1452-1519) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và triết học tự nhiên. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý.

Ngoài những tác phẩm hội họa, ông là người có những ý tưởng vượt trước thời đại của mình, đặc biệt là khái niệm về máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, việc sử dụng hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép, cùng nhiều sáng chế khác.
Một vài thiết kế của ông đã được thực hiện và khả thi trong lúc ông còn sống. Ứng dụng khoa học trong chế biến kim loại và trong kỹ thuật ở thời đại Phục Hưng còn đang ở trong thời kỳ trứng nước. Thêm vào đó, ông có đóng góp rất lớn vào kiến thức và sự hiểu biết trong giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân dụng, quang học và nghiên cứu về thủy lực.
Những sản phẩm lưu lại trong cuộc đời ông chỉ còn lại vài bức hoạ, cùng với một vài quyển sổ nháp tay (rơi vãi trong nhiều bộ sưu tập khác nhau các sáng tác của ông), bên trong chứa đựng các ký hoạ, minh hoạ về khoa học và bút ký.
Dưới đây là 10 bức tranh nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci .

Mona Lisa (La Gioconda hay La Joconde, Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo) là một bức chân dung thế kỷ 16 được vẽ bằng sơn dầu trên m���t tấm gỗ dương tại Florence bởi Leonardo da Vinci trong thời kì Phục Hưng Italia. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo.
Bức tranh là một bức chân dung nửa người và thể hiện một phụ nữ có những nét thể hiện trên khuôn mặt thường được miêu tả là bí ẩn. Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Có lẽ nó là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi về bảo tàng Louvre. Ít tác phẩm nghệ thuật khác từng là chủ đề của nhiều sự chăm sóc kỹ lưỡng, nghiên cứu, thần thoại hoá và bắt chước tới như vậy.

"The Last Supper" (Bữa ăn tối cuối cùng) là bức bích họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci. Tác phẩm được sáng tác vào khoảng năm 1495 đến 1498. Bức bích họa miêu tả trai phòng của Tu viện Santa Maria ở thành phố Milano.

"The Adoration of the Magi" (Sự tôn thờ của các vị thần) là một bức tranh đầu tiên của Leonardo da Vinci năm 1480. Bức tranh được để tại tu viện San Donato, gần thành phố Florence.  Da Vinci tự ấn định cho mình thời gian 30 năm để hoàn tất tác phẩm nhưng thật ra họa phẩm chưa bao giờ được hoàn chỉnh. Bức tranh đã có mặt trong phòng trưng bày Uffizi ở Florence từ năm 1670.

"Baptism of Christ" (Bí Tích Rửa Tội của Chúa Kitô) là bức tranh nổi tiếng của bậc thầy của Da Vinci, Andrea del Verrochio vào khoảng năm 1472. 
Bức tranh được Verrochio hoàn thành cùng với người học việc Da Vinci đã vẽ và hoàn thành các chi tiết của một số phần của bức tranh, đặc biệt là thiên thần.

"Virgin of the Rocks" gồm hai phiên bản, một tại Paris (trong hình) và một tại Luân Đôn.  Các bức tranh đều cao gần 2 mét và được sơn bằng dầu. Cả hai đều được sơn trên bảng gỗ. Hai bức tranh được kết hợp với hoa hồng: mỗi bên bao gồm một thiên thần chơi một nhạc cụ và hoàn thành bởi các cộng sự của Leonardo.
 

"Virgin of the Rocks" gồm hai phiên bản, một tại Paris và một tại Luân Đôn (trong hình).  Các bức tranh đều cao gần 2 mét và được sơn bằng dầu. Cả hai đều được sơn trên bảng gỗ. Hai bức tranh được kết hợp với hoa hồng: mỗi bên bao gồm một thiên thần chơi một nhạc cụ và hoàn thành bởi các cộng sự của Leonardo.

"Madonna of the Carnation" Virgin Mary và Chúa Hài đồng là những nhân vật quan trọng trong Thiên Chúa Giáo.  Đậy là bức tranh sơn dầu thời Phục hưng của Leonardo da Vinci, sáng tác khoảng 1478-1480. Tranh được trưng bày vĩnh viễn tại Gallery Alte Pinakothek, Munich, Đức.

"St. John the Baptist" sáng tác trong khoảng thời gian 1513-1516 và được coi là một trong những họa phẩm cuối cùng của Da Vinci. Tranh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.

"The Virgin and Child with St. Anne" là bức tranh sơn dầu của Leonardo da Vinci mô tả hài nhi Jesus đang chơi với một con cừu.  Tranh được sáng tác năm 1510 và hiện được trung bày tai Bảo tàng Louvre.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Những chuyện chưa được kể về Steve Jobs

Những chuyện chưa được kể về Steve Jobs

Nhiều bí mật về huyền thoại công nghệ của Apple đã được tiết lộ trong cuốn tiểu sử của Walter Isaacson, nhưng vẫn còn những giai thoại thú vị về ông chưa được nhắc tới.
Qua cuốn tiểu sử, người ta biết rằng Jobs hối hận vì đã không chịu phẫu thuật sớm hơn, ông thù ghét Android vì cố tình sao chép iOS. Ông cũng nhiều lần khóc (như khi bị đẩy ra khỏi Apple, khi xem quảng cáo Apple 1984 lần đầu, khi thấy Windows ăn cắp ý tưởng của Mac, khi ông muốn Apple II được bảo hành một năm thay vì 90 ngày, khi đề cập đến vấn đề quyền riêng tư...) và ông khóc nhiều đến nỗi nếu liệt kê gần nhau, Jobs hiện lên như một người đàn ông mong manh. 
Kỷ niệm một năm ngày mất Steve Jobs, tạp chí Forbes đã phỏng vấn một số người bạn, đồng nghiệp của ông để hiểu hơn về thầy phù thủy công nghệ đã ra đi ở tuổi 56.
Steve-01-jpg-1349256295-1349256297_480x0
Steve Jobs qua đời ngày 5/10/2011.
Giấu những chiếc Porsche
Kỹ sư phần mềm Randy Adams ban đầu từ chối lời đề nghị làm việc tại công ty NeXT của Jobs vào năm 1985. Ông chưa sẵn sàng trở lại sau khi bán đi công ty phát triển phần mềm desktop của mình. "Ông đang ném nó đi. Đây là cơ hội của cả đời người, và ông đang ném nó đi", Jobs nói. Và Adams đã nghĩ lại.
Ông dành một phần tiền kiếm được từ việc bán công ty để mua xe Porsche 911 cùng thời điểm với Jobs. Để tránh việc va chạm khi mở cửa, họ đỗ gần nhau với khoảng trống khá xa giữa hai xe. Một ngày Jobs hối hả tới bàn làm việc của Adams và nói họ phải lái xe đi chỗ khác. Khi được hỏi tại sao, Jobs trả lời: "Randy, chúng ta phải giấu mấy chiếc Porsches đi. Ross Perot sắp tới và cân nhắc việc đầu tư vào công ty, nên tôi không muốn ông ấy nghĩ chúng ta có nhiều tiền". Họ lái xe ra sau văn phòng NeXT ở Palo Alto, California và sau đó, Perot đầu tư 20 triệu USD vào công ty này năm 1987.
Adams cũng nhớ Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, có chuyến ghé thăm trụ sở NeXT vào mùa thu năm 1986. Lễ tân dưới sảnh gọi cho Jobs, khi đó đang ở trên tầng, để thông báo sự hiện diện của Gates. "Tôi thấy cậu ấy ngồi đó, không thực sự bận rộn. Nhưng cậu ấy không đứng dậy cũng chẳng gọi Gates lên. Jobs để Gates đợi gần một tiếng. Đó là thông điệp Jobs muốn nói với đối thủ", Adams kể. Còn các kỹ sư của NeXT tranh thủ cơ hội xuống tầng và trò chuyện với Gates cho tới khi Jobs quyết định mời ông vào.
Adams nhớ nhiều thứ về Jobs khi còn ở NeXT như khi ông mặc như một ông già Noel và trao những tờ 100 USD cho nhân viên. Một năm sau khi Jobs ra đi, Adams vẫn cảm nhận được sự mất mát quá lớn. "Cậu ấy mang đến động lực khó tin, truyền cảm hứng và nâng bạn lên. Tôi tin khi bạn ở bên Steve, bạn có thể làm mọi thứ. Bạn có thể thay đổi thế giới. Khi cậu ấy rời bỏ thế giới, cảm giác ấy cũng ra đi trong tôi. Sẽ chẳng có ai được như Steve".
Vết bẩn ở gian hàng mini
Sau cuộc phẫu thuật năm 2004, Jobs đã gặp một số phóng viên tại trung tâm mua sắm Stanford ở Palo Alto để giới thiệu thiết kế gian hàng mini chỉ khoảng 70 mét vuông (bằng nửa Apple Store thời điểm đó) với trần và sàn trắng tinh, tường thép không gỉ của Nhật. 
Thiết kế cửa hàng trông rất đẹp trên giấy tờ nhưng không thực tế. Tường đầy dấu vân tay và sàn nhà in các vết đen. Khi tấm màn che cửa hàng được kéo xuống, nhà báo Connie Guglielmo của Forbes nhìn xuống sàn và lập tức quay sang hỏi Jobs có tham gia vào việc thiết kế không. Jobs nói có. "Rõ ràng bất cứ ai thiết kế cửa hàng này đều chưa bao giờ từng phải lau sàn nhà trong đời", Guglielmo nói. Jobs nhíu mày và bước vào trong.
Vài tháng sau, một lãnh đạo Apple kể cho Guglielmo nghe rằng ngay sau lễ công bố đó, Jobs đã yêu cầu tất cả các nhà thiết kế tới cửa hàng và thức cả đêm quỳ gối lau sạch bóng sàn nhà màu trắng.
'Họ sẽ quen với bàn phím ảo'
Marc Andreessen, chuyên gia về trình duyệt và sau trở thành nhà đầu tư, nhớ lại cuộc gặp gỡ với vợ chồng Steve Jobs vài tháng trước khi iPhone được công bố. "Mùa thu năm 2006, vợ chồng tôi đi ăn tối với Jobs. Ngồi bên ngoài nhà hàng ở California Avenue, Steve rút mẫu thử iPhone ra khỏi túi quần jean và nói: 'Tôi có thứ này muốn khoe ông'. Cậu ấy giới thiệu các tính năng của thiết bị mới. Sau phút ồ, à... trầm trồ, tôi, một fan cuồng của BlackBerry, hỏi: 'Steve, cậu không nghĩ là việc thiếu bàn phím sẽ là vấn đề à? Mọi người có cảm thấy thoải mái khi gõ trực tiếp trên màn hình không?' Cậu ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: 'Họ sẽ quen với việc đó".
Apple đã bán được hơn 250 triệu iPhone từ năm 2007 và đây là là một trong những smartphone ăn khách nhất thế giới.
Thẳng thắn và cay nghiệt
Guy Kawasaki, một người nổi danh trong cộng đồng các nhà phát triển Mac, đang làm việc ở văn phòng năm 1984 thì Jobs xuất hiện cùng một người nữa. Jobs hỏi Kawasaki nhận xét gì về chương trình dành cho Mac của công ty Knoware.
"Tôi nói hết với ông ấy những gì tôi nghĩ, toàn là quan điểm tiêu cực. Khi tôi kết thúc, ông ấy quay sang nhìn người đàn ông kia rồi nói với tôi: 'Giới thiệu với cậu đây là CEO của Knoware'. Đó chính là phong cách của Jobs. Nếu là người hâm mộ ông, bạn sẽ nói ông ấy biết cách xử lý những vấn đề khó nói. Còn nếu không thích, bạn sẽ nói ông ấy thiếu lịch thiệp", Kawasaki cho hay. "Dù đối xử với mọi người như thế, lý do ông ấy vẫn lôi kéo được những con người tài năng cùng làm việc là vì ông ấy luôn đánh giá cao những ý tưởng, sản phẩm tốt. Nếu muốn thực hiện điều tuyệt vời, bạn có thể tới Apple. Nhưng đổi lại là sẽ có lúc bạn phải hứng chịu cảnh bẽ mặt".
Biểu tượng bàn tay trên màn hình
Nolan Bushnell, nhà sáng lập Atari và từng thuê Jobs năm 1974, nói điều ông nhớ nhất về Steve Jobs là cường độ làm việc: "Steve là người đầu tiên tôi thấy đang ngồi ở bàn làm việc vào buổi sáng sau một đêm thức trắng. Nhiều người nghĩ thành công cũng cần sự may mắn và biết chọn đúng nơi đúng thời điểm. Nhưng tôi nghĩ, nếu bạn chăm chỉ hơn bất cứ ai, bạn cũng đang tự tạo ra cho mình vô số sự may mắn. Jobs thích thảo luận về những ý tưởng lớn. Cậu ấy luôn thích nói về việc tạo ra sản phẩm và biết khi nào sản phẩm sẵn sàng có mặt trên thị trường".
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Bushnell mua một ngôi nhà lớn ở Paris và mời tất cả bạn bè ở Thung lũng Silicon (Mỹ) tới dự tiệc, trong đó có Jobs dù ông đã rời Atari để thành lập Apple năm 1976. Trong khi mọi người mặc đúng kiểu trang phục dành cho một bữa tiệc, Jobs xuất hiện với chiếc quần jean Levi's.
Bushnell kể: "Ngày hôm sau, tôi uống cafe còn Steve uống trà, ngắm người dân Paris qua lại. Chúng tôi trò chuyện sôi nổi về tầm quan trọng của sự sáng tạo. Cậu ấy khi đó biết vòng đời của Apple II sắp kết thúc nhưng không hài lòng với Apple III. Cậu ấy mới bắt đầu hình thành ý tưởng về hệ thống Lisa và Macintosh. Chúng tôi bàn về phím di chuột trackball, về phím định hướng joystick và về chuột cũng như biểu tượng bàn tay nhỏ trên màn hình để chỉ vị trí của chuột. Lần cuối tôi gặp Jobs là một năm trước khi cậu ấy mất. Cậu ấy rất gầy nhưng không hề yếu đuối và nói 'tôi sẽ chiến đấu với điều này".
Câu chuyện Giáng sinh
Regis McKenna, chuyên gia marketing của Apple từ năm 1983 đến 1987, cho hay khi mới 22 tuổi, Jobs đã đi xe máy tới nhà McKenna và nói muốn xây dựng Apple thành thương hiệu toàn cầu. 
"Năm 1998, vợ chồng tôi mua 5 chiếc iMac làm quà Giáng sinh cho mấy đứa cháu. Khi Molly, 5 tuổi, mở hộp, con bé reo lên: Cuộc đời thật đẹp'. Thật tiếc, iMac của Molly có vấn đề khi cửa ổ quang không mở. Người bán nói anh ta không có quyền đổi máy vì chính sách của Apple, trong khi việc sửa chữa lại mất vài tuần. Tôi gửi e-mail cho Jobs hỏi về chính sách đổi máy mới. Năm phút sau, điện thoại của tôi đổ chuông. Steve gọi và hỏi tôi vấn đề là gì và tên của người bán. 'Tôi sẽ gọi lại ngay', Steve nói. Vài phút sau, điện thoại lại đổ chuông và đầu dây kia là người bán hàng: 'Chúng tôi sẽ gửi một chiếc iMac mới cho cháu ông'. Tôi viết e-mail cảm ơn Steve vì đã mang đến một Giáng sinh tuyệt vời cho cô cháu gái. Steve trả lời lập tức với nội dung đơn giản: 'Ho, ho, ho'.
Năm 1985, một tuần sau khi bị sa thải, Jobs trò chuyện với McKenna về kế hoạch tiếp theo của mình. "Steve nói Apple có thể hưởng lợi từ việc cậu ấy ra đi. Cậu ấy muốn giúp Apple bằng việc thành lập công ty và công ty mới sẽ phát triển một công nghệ mà Apple có thể sẽ sử dụng. Đó là cách Steve có thể làm lợi cho Apple. Thời điểm đó, Steve đã không nhận ra tuyên bố đó có ý nghĩa như thế nào", McKenna cho hay. Năm 1996, Apple mua NeXT với giá 429 triệu USD - một động thái để mời Jobs về và đây trở thành cuộc trở lại ngoạn mục nhất trong lịch sử các công ty Mỹ.
Steve-02-jpg-1349256268_480x0.jpg
Steve Jobs là con người tổng hòa nhiều tính cách: vừa khắc nghiệt, thẳng thắn, tỉ mỉ, vừa ân cần, dễ xúc động.
Một người bạn khi cần
Heidi Roizen (giờ là một nhà đầu tư) đứng đầu công ty T/Maker chuyên cung cấp phần mềm cho Mac vào thập niên 80. "Ngày 1/3/1989, Steve gọi cho tôi để bàn công chuyện. Vì đó là Steve nên tôi mới nghe máy bởi tôi vừa nghe tin cha tôi qua đời đột ngột trong chuyến công tác ở Paris. Khi tôi kể chuyện xảy ra, ông ấy hỏi: 'Vậy sao cô còn làm việc? Cô cần về nhà. Tôi sẽ tới đó ngay'. Jobs tới nhà tôi, ngồi trên sàn cùng tôi trong khi tôi thổn thức trong suốt 2 tiếng. "Steve hỏi về cha tôi, về việc ông ấy quan trọng với tôi thế nào và điều tôi yêu nhất ở cha mình là gì. Mẹ của Steve cũng mới qua đời vài tháng trước đó và tôi nghĩ Steve hiểu tôi cảm thấy thế nào và biết tôi cần chia sẻ ra sao. Tôi luôn nhớ và trân trọng những điều ông ấy đã làm để an ủi tôi", Roizen nhớ lại.
Jobs soi xét mọi thứ
Emily Brower Auchard, làm việc trong đội PR của NeXT, cho hay Jobs luôn để ý và soi những chi tiết nhỏ nhặt nhất. "Một trong những nhiệm vụ của tôi là tham gia các cuộc phỏng vấn báo chí với Steve và ghi chú lại. Một lần trước khi diễn ra phỏng vấn, tôi phát hiện mình đang đi hai chiếc giày khác nhau. Tôi gọi điện cho sếp xin lời khuyên. Bà ấy bảo tôi phải giải quyết vấn đề ngay vì Steve chắc chắn sẽ nhận ra. Vì thế tôi vội vã lái xe đi mua đôi giày mới rồi quay trở lại NeXT. Đó là lần mua sắm được quyết định nhanh nhất trong đời tôi", Auchard cho hay.
Phỉ báng để đạt mục đích
Năm 1989, NeXT, đang vật lộn giành giật khách hàng, có cuộc họp với IBM để thảo luận về bản quyền phần mềm NeXTStep trên máy IBM OS/2. Một cựu lãnh đạo của NeXT (yêu cầu không tiết lộ tên) cho hay họ thực sự rất muốn thương vụ này thành công. Ban lãnh đạo hai công ty ngồi chờ Jobs tại trụ sở NeXT. Cuối cùng ông ấy cũng xuất hiện, quay sang lãnh đạo cao cấp của IBM và nói: "Giao diện người dùng của các ông dở ẹc". Có tiếng thở hắt từ các đại diện của cả hai công ty.
"Ông ấy là một chuyên gia đàm phán tài tình. Ông ấy 'thả bom' để làm nhụt chí mọi người. Ông ấy sẵn sàng lăng mạ, nói theo kiểu chúng tôi đồng ý làm vụ này nhưng sản phẩm của các ngài chỉ là thứ rác rưởi. Nhưng ông ấy luôn nhận được thứ ông ấy muốn. Cuối năm đó, IBM đã đồng ý mua phần mềm với giá 65 triệu USD", vị cựu lãnh đạo này kể lại.
Châu An

Chuyện cổ tích hiện đại của phu nhân Mark Zuckerberg

Chuyện cổ tích hiện đại của phu nhân Mark Zuckerberg

Priscilla Chan được cư dân mạng nhắc đến như một hiện tượng khó tin khi một đại gia như ông chủ Facebook lại chọn cô thay vì cưới chân dài. Cha của cô từng sống nhiều năm ở Việt Nam.
>Đám cưới bí mật và giản dị của Mark Zuckerberg / Váy và nhẫn cưới của vợ tỷ phú Mark Zuckerberg
Khi cưới bạn trai là nhà đồng sáng lập Facebook cuối tuần trước, Priscilla Chan như bước ra từ thế giới cổ tích. Mặc váy trắng thướt tha, cô mỉm cười trao lời thề với chàng trai hiện nắm giữ tài sản trị giá 19 tỷ USD trong một lễ cưới khiến giới truyền thông thế giới sôi sục.
Nhưng khi nhìn vào dung nhan kém xinh và tuổi thơ của Chan, nhiều người đã nghĩ đây là cô gái may mắn nhất thế giới. Cha của cô, Dennis Chan, là một người Trung Quốc và từng sống trong trại tị nạn. Ông đã dành dụm tiền để mở một quán ăn ở Boston (Mỹ) có tên Taste of Asia, nơi ông và vợ làm việc quần quật 18 tiếng mỗi ngày.
Khi học ở trường trung học Quincy gần Boston, Chan luôn chứng tỏ mình là một học sinh thông minh và sáng dạ. Peter Swanson, 66 tuổi, giáo viên khoa học, kể: “Cô bé tới gặp tôi và hỏi Thưa thầy, em phải làm gì để xin được vào trường Harvard?. Tôi rất ấn tượng vì trong suốt những năm dạy học trước đó, chưa bao giờ có một học sinh 13 tuổi nào thắc mắc với tôi như thế. Chan biết rõ những gì cô bé muốn theo đuổi. Tôi khuyên em tham gia đội tennis vì để được chọn, cô bé cần có một bản hồ sơ đẹp nhất".
Ảnh chụp năm 2007 khi Chan tốt nghiệp Harvard. Ảnh: Facebook.
Ảnh chụp năm 2007 khi Chan tốt nghiệp Harvard. Ảnh: Facebook.
Theo thầy Swanson, dù không biết tiếng Anh, bà của Chan có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tinh thần của cô khi cha mẹ bận rộn buôn bán. Chan đặc biệt chăm chỉ và tốt nghiệp với điểm số cao nhất lớp. Cô bé còn tặng thầy một món quà là phiếu ăn miễn phí tại nhà hàng của cha mình.
Để đạt được mục tiêu, Chan đã làm tất cả những gì có thể, kể cả việc đăng ký vào câu lạc bộ quần vợt dù cô không thực sự giỏi. Khi trúng tuyển, cô đã chạy tới gặp Swanson và cười ngoác đến tận mang tai: "Thầy thấy chưa, em đã nói em sẽ vào Harvard mà".
Thầy Swanson đến thăm Chan tại biệt thự của Mark Zuckerberg cuối năm ngoái. "Khi Chan giới thiệu chúng tôi với nhau, Mark cười và nói Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ tuyệt vời. Mọi người vẫn nói Chan quá may mắn khi cưới được Mark, nhưng Mark biết rằng anh mới là người may mắn. Chan chính là hiện thân của Giấc mơ Mỹ: cha mẹ cô đến đây với hai bàn tay trắng và giờ cô cưới một tỷ phú. Còn gì tuyệt vời hơn thế", thầy giáo cũ của cô nói.
Mark Zuckerberg luôn tự hào về người vợ mới cưới.
Mark Zuckerberg luôn tự hào về người vợ mới cưới. Ảnh: Facebook.
Không chỉ thông minh, Chan còn là người nhân hậu. Zuckerberg kể rằng chuyện trong bữa ăn của hai người thường là về những đứa trẻ mồ côi hay đang mắc bệnh ung thư. Chính Priscilla Chan cũng đã thuyết phục Zuckerberg mở trang Facebook dành cho tình nguyện viên hiến nội tạng.
Khi được hỏi về chuyện tình cảm trong suốt chín năm qua, Chan nói cả hai rất lãng mạn nhưng cũng đặt ra các nguyên tắc để người kia phải tuân theo, như là dù bận rộn thì vẫn phải dành thời gian cho nhau.
Chan ít chia sẻ về gia đình mình. Hồ sơ của cô chỉ nói rằng sau khi học ở Quincy, cô theo ngành sinh học ở Harvard, nơi cô gặp Zuckerberg khi xếp hàng vào nhà vệ sinh tại một bữa tiệc năm 2003. Sau đó, Chan tiếp tục theo đuổi ngành y và kết thúc khóa học chỉ một tuần trước đám cưới (19/5).
Thông tin về cha mẹ cô không có nhiều, nhưng Sriwannavit, một người gốc Thái đã mua lại nhà hàng Taste of Asia năm 2006 và đổi tên thành quán Pho&I (Phở và Tôi), cho hay: "Ônh Chan là người nhân hậu. Trong quá trình mua cửa hàng, ông ấy kể với tôi ông ấy từng là người tị nạn. Ông Chan là người Trung Quốc nhưng lại sống ở Việt Nam. Ông bán cửa hàng vì cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc hàng giờ không nghỉ".
Priscilla có lẽ đã muốn Zuckerberg hiểu hơn về gia đình cô khi cả hai cùng tới Việt Nam tháng 12/2011 và tới Trung Quốc vào tháng 3/2012.
Châu An

Larry Page - người của những ý tưởng điên rồ

Larry Page - người của những ý tưởng điên rồ

Tổng giám đốc Google tin trong tương lai, máy tính sẽ tự lập trình lịch đi chơi, điều khiển xe, đoán biết suy nghĩ của chủ nhân và điều đó đang dần thành sự thực qua những dự án mà Google theo đuổi.
larry-page-jpg-1358504543_500x0.jpg
Larry Page, CEO Google.
Khi Martin Sorrell, CEO của tập đoàn quảng cáo WPP Group, đến thăm Google mùa thu trước, Larry Page đã điều một xe đi đón ông ở khách sạn Rosewood cách đó hơn 30 km. Đáng nói là đó không phải một chiếc xe như người ta thường thấy. Chiếc Lexus SUV này tự lái nhờ một loạt công cụ công nghệ cao như radar, cảm biến, máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu lượt đo mỗi giây. Trong khoảng 20 phút, xe đã "lạng lách", rẽ cua, giảm tốc độ hoặc vượt qua những xe khác một cách chính xác trên xa lộ I-280 và khu vực đông đúc State Route 85. "Thật không thể tin được", Sorrell sau đó đã chia sẻ sự thán phục. 
Dự án xe không người lái không phải là thú tiêu khiển hạng sang của Page. Ông tin đây là tương lai của giao thông. Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản. Là cha của 2 đứa trẻ, ông cho rằng dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người. Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí. Ông ví dụ, đại bản doanh của Google đang thiếu chỗ đỗ xe và số tiền đầu tư cho khu đỗ mới lên tới 40.000 USD/xe. "Vậy tại sao không để ôtô thả bạn ở cửa rồi tự lái đến điểm đỗ không quá xa đó. Khi cần đi ra khỏi tòa nhà, điện thoại sẽ thông báo và xe lập tức xuất hiện khi bạn bước xuống bậc thang", Page mô tả.
Nghe có vẻ lạ lẫm như trong phim viễn tưởng nhưng đó chính xác là những gì Page muốn Google phát triển. Từ khi thành lập công ty năm 1998, ông đã cùng Sergey Brin lên kế hoạch lâu dài cho các dự án táo bạo và ông cũng là người đưa ra các ý tưởng điên rồ nhất. Một vài trong số đó đã thành hiện thực, như việc chụp từng mét những con đường để tạo ra "phiên bản ảo" của thế giới thực (dự án bản đồ số), hay quét mọi cuốn sách in để tạo ra thư viện số lớn nhất thế giới, hay xây dựng công cụ có thể dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (hiện đạt 4.200 cặp).
Ý tưởng lạ lùng và lối quản lý thực dụng hiếm khi song hành với nhau. Nhưng người ta nhìn thấy cả hai điều đó ở Page khi ông thôi thúc đội ngũ kỹ sư và điều hành theo đuổi những giấc mơ lớn nhưng vẫn tạo ra một công ty đạt doanh thu 38 tỷ USD (năm 2011) với 53.000 nhân viên tài năng. 
Khi Page tiếp quản chức CEO vào tháng 4/2011, cỗ máy tìm kiếm đột phá của họ bắt đầu có dấu hiệu "già cỗi" và tư tưởng quan liêu cũng bắt đầu hình thành. Page nhanh chóng cải tổ công ty, khiến ban lãnh đạo gánh thêm nhiều tránh nhiệm và hướng Google tập trung vào một số mảng sản phẩm trọng điểm. Ông sẵn sàng khai tử cả chục dự án không cần thiết hoặc không thành công như Google Health. Các thay đổi này khiến không khí làm việc kiểu "dạo chơi" tại Google thập kỷ đầu giảm bớt nhưng đa số đồng ý rằng Google đang liên kết và tăng tốc hơn từ khi Page "lên ngôi". 
Ở Google có 7 lãnh đạo sản phẩm chủ chốt, hình thành nên nhóm L-Team (Larry Team). Họ gặp nhau vào trưa thứ hai hàng tuần để trao đổi các vấn đề phát sinh trong mỗi bộ phận. Cuộc gặp gỡ luôn kết thúc bằng các hành động chiến lược và Page không bao giờ quên. "Khả năng điều hành của Page rất ấn tượng và ông ấy đang vượt qua mọi thứ. Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến ông ấy đã làm tốt như thế nào", nhà đầu tư mạo hiểm Ben Horowitz nhận xét. Quyết định sáp nhập Android đã là một chiến thắng, nhưng quan trọng hơn, dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã thăng hoa, làm câm lặng mọi chỉ trích và nghi ngờ trước đó.
Page từ lâu vẫn nói mối đe dọa lớn nhất mà Google phải đối mặt chính là Google và từ khi trở thành Tổng giám đốc, ông đã cố gắng đầy lùi sự quan liêu hay bất cứ thứ gì làm chậm sự đổi mới. Ông từng đề nghị Sundar Pichai, Phó chủ tịch phụ trách trình duyệt Chrome, tiết kiệm vài giây khi sắp đến lượt lên sân khấu phát biểu. "Ông nên đứng đợi gần sân khấu để mọi người không phải chờ lâu", Pichai nhắc lại lời khuyên của Page.
self-driving-jpg-1358504543_500x0.jpg
Xe không người lái - một trong những dự án đầy tham vọng của Google.
Ông cũng tính toán và đưa ra các quyết định rất nhanh chóng. Trên một chuyến bay cách đây không lâu, ông gọi quản lý Nikesh Arora ra gần cửa sổ. Họ đang bay qua Nevada và Page chỉ tay xuống sa mạc nơi lễ hội Burning Man diễn ra hàng năm, nói rằng Google cần cải tiến hình ảnh bản đồ bằng cách triển khai các máy bay tầm thấp ở Mỹ. Vừa nói, ông vừa nhẩm tính các chi phí đầu tư. Hiện Google Earth đã có bản đồ 3D ở nhiều thành phố nhờ ảnh chụp từ trực thăng và máy bay. "Ông ấy luôn hướng mọi người tới những cách nghĩ khác biệt", Arora cho hay.
Page đã "nghĩ khác" từ khi còn trẻ. Sau khi có bằng kỹ sư tại Đại học Michigan, ông theo học ở Stanford, nơi ông gặp Sergey Brin. "Một trong những ý tưởng xa vời của Page là kế hoạch tải toàn bộ web để nghiên cứu các site liên kết với nhau như thế nào", Terry Winograd, cố vấn học thuật của Page, kể lại. "Làm sao có thể tin một sinh viên lại thực hiện được điều đó". Và Page đã làm điều như thế khi cùng với Brin xây dựng Google. Sau đó, họ mời Eric Schmidt về làm CEO (Schmidt hiện là Chủ tịch còn Brin quản lý phòng thí nghiệm tối mật Google X).
Dù vậy, việc xếp Larry Page vào danh sách các CEO vĩ đại vẫn còn quá sớm. Ông còn nhiều việc phải làm để người ta thấy được giá trị ổn định, lâu dài của Google trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, gồm cuộc chiến với Apple trên đấu trường điện toán di động, cuộc chiến với Facebook về mạng xã hội, hay Amazon đang là công cụ tìm kiếm mặc định của những người chuyên mua sắm trực tuyến.
Một vấn đề nữa là ở tuổi 39, ông chưa thể hiện được sức hút của một CEO điển hình mà thay vào đó là thái độ có vẻ nhún nhường, hướng nội. Những người quen biết nhận xét Page vừa tự tin vừa khiêm tốn nhưng không có kiểu ăn nói hài hước. Ông sống khá khép kín và mới chỉ thực hiện vài cuộc phỏng vấn báo chí dù nhận chức CEO đã được gần 2 năm. Với các nhà đầu tư và cả thế giới, ông vẫn là một bí ẩn. "Thật khó nhận xét chính xác về ông bởi chúng tôi chẳng có cách nào tiếp cận được", Ben Schachter, chuyên gia Macquarie Group, cho hay. "Khi bạn bỏ ra tới 12 tỷ USD để mua Motorola nhưng lại không đưa ra lời giải thích nào về chiến lược, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy khó khăn và bực bội".
Đương nhiên, các nhà đầu tư có quyền lo lắng bởi Page vẫn không mấy khi đưa ra lý do thuyết phục rằng một số dự án của ông là hợp lý. Chẳng hạn, Page nói Google+ rất thành công, nhưng các nhà phân tích lại chỉ thấy đây là mảnh đất hoang. Hay nhiều người vẫn đang cố lý giải Motorola Mobility sẽ giúp ích gì cho hệ sinh thái Android. Chưa kể, Dennis Woodside, trưởng bộ phận Motorola, không bao giờ được tham gia các cuộc họp của L-Team. 
Nhưng như đã nói, Page luôn là một ẩn số. Và hẳn ông sẽ còn một vài thứ khiến mọi người ngạc nhiên. "Không có nhiều người tâm huyết và dám đầu tư cho những thay đổi lớn", Page nói. Với ông, đó thực sự là một cơ hội.
Phần 2: Sergey Brin - người biến giấc mơ thành hiện thực với Google X Lab
Châu An (theo Fortune)

Sách yêu thích của các đại gia công nghệ

Sách yêu thích của các đại gia công nghệ

Bill Gates, Steve Jobs, Jeff Bezos... đều là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của công nghệ và trang Business Insider đã tổng hợp thông tin để xem họ chọn đọc sách như thế nào.
Amazon sở hữu
Amazon sở hữu "tủ sách lớn nhất thế giới" nên việc CEO Jeff Bezos đọc nhiều sách là điều dễ hiểu. Ông chia sẻ với Fast Company rằng ông mua khoảng 10 cuốn mỗi tháng. Còn cuốn ông thích nhất là Build to Last: Successful Habits of Visionary Companies (Xây dựng để trường tồn - Thói quen thành công của những tập đoàn vĩ đại) của Jim Collins/Jerry Porras và The Remains of the Day (Tàn tích của ngày) của Kazuo Ishiguro. Bezos cho hay cuốn The Remains of the Day giúp ông rút ra nhiều điều về cuộc sống vào sự nuối tiếc.
Trong cuộc trò chuyện với cộng đồng Reddit gần đây, Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, đề cập tới cuốn sách ông rất thích là The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (Những thiên thần với bản tính nhân đạo hơn: Vì sao bạo lực giảm bớt) của Steven Pinker.
Trong cuộc trò chuyện với cộng đồng Reddit gần đây, Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, đề cập tới cuốn sách ông rất thích là The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (Những thiên thần với bản tính nhân đạo hơn: Vì sao bạo lực giảm bớt) của Steven Pinker. "Nó dài nhưng là cái nhìn sâu sắc về việc giảm nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc qua thời gian", Gates giải thích. Một tác phẩm khác là The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) của J.D. Salinger. "Một tác phẩm thông minh khi thừa nhận rằng người trẻ thường đôi chút bối rối nhưng lại nhanh nhạy và nhìn ra những thứ mà người lớn không thể thấy. Thế nên tôi thích nó", Chủ tịch Microsoft chia sẻ.
Trên trang cá nhân Facebook, CEO Mark Zuckerberg chỉ kể tên duy nhất cuốn Ender's Game (Cuộc đấu của Ender) của Orson Scott Card trong danh mục
Trên trang cá nhân Facebook, CEO Mark Zuckerberg chỉ kể tên duy nhất cuốn Ender's Game (Cuộc đấu của Ender) của Orson Scott Card trong danh mục "Quan tâm". Tuy nhiên, anh này lại nói với The New York Times rằng tác phẩm anh thực sự thích là The Aeneid của Virgil.
Larry Ellison, CEO của Oracle, cũng mê các tác phẩm văn học và một trong những cuốn yêu thích mới nhất của ông là Napoleon của Vincent Cronin.
Larry Ellison, CEO của Oracle, cũng mê các tác phẩm văn học và một trong những cuốn yêu thích mới nhất của ông là Napoleon của Vincent Cronin. "Đọc rất thú vị vì ta sẽ biết một người với xuất thân khiêm tốn có thể làm được gì trong đời và lịch sử có thể bóp méo hoàn toàn sự thật ra sao", Ellison kể với trang Achievement.
Tim Cook, CEO Apple, thích sách Competing Against Time (Cạnh tranh với thời gian) của George Stalk và ông từng trao cuốn này, với nội dung về việc sử dụng chuỗi cung ứng như một vũ khí chiến lược trong kinh doanh, cho nhân viên.
Tim Cook, CEO Apple, thích sách Competing Against Time (Cạnh tranh với thời gian) của George Stalk và ông từng trao cuốn này, với nội dung về việc sử dụng chuỗi cung ứng như một vũ khí chiến lược trong kinh doanh, cho nhân viên.
Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, yêu thích The Checklist Manifesto (Phút dừng lại của người thông minh) của Atul Gawande, đề cao hành động quan trọng nhất nhưng cũng hay bị lơ là nhất của con người : lập một danh sách đơn giản cũng có thể giúp chúng ta xoay sở trong những tình huống phức tạp nhất.
Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, yêu thích The Checklist Manifesto (Phút dừng lại của người thông minh) của Atul Gawande, đề cao hành động quan trọng nhất nhưng cũng hay bị lơ là nhất của con người : lập một danh sách đơn giản cũng có thể giúp chúng ta xoay sở trong những tình huống phức tạp nhất.
Trong cuốn tiểu sử Steve Jobs, Walter Isaason đã liệt kê nhiều cuốn sách được nhà đồng sáng lập Apple đánh giá cao, trong số đó có các tác phẩm của William Shakespeare, Innovator's Dilemma (Thế lưỡng nan của nhà đổi mới) của Clayton Christensen, Zen Mind, Beginner's Mind (Thiền Tâm, Sơ Tâm) của Shunryu Suzuki, Autobiography of a Yogi (Tự truyện của một Yogi) của Paramahansa Yogananda và Moby Dick của Herman Melville.
Trong cuốn tiểu sử Steve Jobs, Walter Isaason đã liệt kê nhiều cuốn sách được nhà đồng sáng lập Apple đánh giá cao, trong số đó có các tác phẩm của William Shakespeare, Innovator's Dilemma (Thế lưỡng nan của nhà đổi mới) của Clayton Christensen, Zen Mind, Beginner's Mind (Thiền Tâm, Sơ Tâm) của Shunryu Suzuki, Autobiography of a Yogi (Tự truyện của một Yogi) của Paramahansa Yogananda và Moby Dick của Herman Melville.

Châu An

Jeff Bezos - kẻ liều lĩnh và triết lý chiếc ghế trống

eff Bezos - kẻ liều lĩnh và triết lý chiếc ghế trống

Khi một giám đốc hỏi Jeff Bezos rằng kinh phí dành cho dự án Kindle là bao nhiêu, CEO của Amazon đơn giản trả lời: "Chúng ta còn bao nhiêu tiền?".
Tỷ phú sinh năm 1964 này hiếm khi tỏ ra do dự về chuyện kinh phí và luôn thực hiện đúng những lời ông nói với các nhà đầu tư vào Amazon từ năm 1997: "Chúng tôi sẽ thực hiện những quyết định đầu tư mạnh mẽ thay vì rụt rè một khi thấy đủ khả năng để giành lợi thế dẫn đầu thị trường".
Liều lĩnh và ưa mạo hiểm
Các nhà đầu tư muốn thu hồi vốn trong thời gian ngắn sẽ không ưa vị CEO chỉ khăng khăng làm việc mà ông nghĩ có ích cho công ty về lâu dài. Bezos đã luôn như thế trong suốt lịch sử 18 năm của Amazon và điều đó một lần nữa thể hiện qua lễ ra mắt sản phẩm ngày 6/9. Tại sao một tablet với kết nối 4G, màn hình HD, Wi-Fi kép, bộ nhớ 32 GB lại được bán giá chỉ 500 USD - bằng mức của chiếc iPad cấu hình thấp nhất? 
Lý do là Bezos thấy không cần phải kiếm tiền ngay lập tức. Ông giải thích: "Chúng tôi không sinh lời từ việc khách hàng mua máy, mà từ việc họ sử dụng máy". Có nghĩa, Amazon sẵn sàng chịu lỗ trên từng sản phẩm bán ra, rồi mong đợi sẽ hưởng lợi sau khi mọi người dùng Kindle Fire để mua hàng, dịch vụ... trên hệ thống của Amazon.
Bezos-3-jpg-1347010056_480x0.jpg
Jeff Bezos luôn đi những nước cờ mạo hiểm nhưng thông minh.
Vậy nên người ta nói ông là người nhìn xa trông rộng nhưng không phải ai cũng dám liều lĩnh như thế. Làm sao một công ty với vô vàn áp lực kinh doanh dám tích hợp phần cứng mới nhất vào trong sản phẩm nhưng lại bán giá thấp nhất trên thị trường?
"Tôi không thích mô hình kinh doanh giúp bạn kiếm nhiều tiền trên thiết bị. Chúng tôi theo đuổi phương pháp riêng và hãy nhớ, chúng tôi chưa bao giờ cố chứng tỏ đó là phương pháp đúng. Khi đặt công việc kinh doanh ngang hàng với khách hàng, bạn sẽ thành công khi khách hàng hài lòng và chỉ thành công nếu khách hàng hài lòng. Đôi khi điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và lối tư duy dài hạn. Còn nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, bạn sẽ muốn kiếm tiền tức thì. Tôi không nói cách nghĩ đó sai. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là chúng tôi không đi theo hướng đó", Bezos chia sẻ với AllThingsD.
Từ khi còn bé, Bezos đã biết tự dùng tuốc nơ vít để tháo cũi. Lớn lên, ông biến garage của bố mẹ thành phòng thí nghiệm khoa học. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Princeton và lọt vào tầm ngắm của một số công ty tiếng tăm với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, ông đã nhìn thấy một tương lai mới trong việc sử dụng Internet cho mục đích thương mại từ năm 1994. Tháng 7/1995, công ty bán sách trực tuyến Amazon ra đời. Sự mạo hiểm và tầm nhìn dài hạn của ông đã bộc từ cách đây 18 năm khi ông nói trước với những người hùn vốn rằng họ có thể không có lợi nhuận trong một thời gian dài và 70% khả năng họ sẽ mất trắng số tiền đầu tư.
 
Hiện Bezos đã là một trong những người giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản 19 tỷ USD. Đầu năm 2012, Amazon đạt mốc thú vị là website của họ đã có hơn 20 triệu mặt hàng, phần lớn trong số chúng là những món đồ vụn vặt như dụng cụ khoan, giày, vợt bóng bàn... Nó không chỉ là kho sách trực tuyến khổng lồ mà Amazon hiện đồng nghĩa với tiệm bách hóa online.
 
Chiếc ghế trống
 
Jeff Bezos vui tính và hay cười. "Tôi là người hạnh phúc. Vợ tôi vẫn nói, nếu Jeff tỏ ra không vui, chỉ cần đợi thêm 5 phút nữa", CEO của Amazon đùa trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes.
 
Tuy nhiên, trong công việc ông lại rất khắt khe. Và khi nhiều công ty công nghệ cạnh tranh với nhau bằng chế độ đãi ngộ nhân viên, ông lại nâng niu 164 triệu khách hàng hơn 56.000 cấp dưới của mình.
Cách đây hơn một thế kỷ, nhà bán lẻ huyền thoại Marshall Field từng đấu tranh cho phương châm: "Khách hàng luôn đúng" - điều có thể người ta sẽ công nhận nhưng không phải ai cũng làm theo được. Bezos có lẽ là người thực hiện triệt để nhất tuyên ngôn đó trong kỷ nguyên số.
Các nhà quản lý ở công ty Amazon cho hay Bezos tỉ mỉ và có phần khắc nghiệt. Nhưng nhân vật tác động lớn nhất đến công việc và cuộc sống của họ lại có biệt danh "chiếc ghế trống". Bezos đặt một chiếc ghế tại bàn họp và thông báo với tất cả những người có mặt rằng ghế đó luôn có người ngồi - người đóng vai trò quan trọng nhất trong phòng họp - đó chính là khách hàng. 
Bezos-1-jpg-1347010056_480x0.jpg
Tại Amazon, ông chủ tối cao là một chiếc ghế trống đại diện cho khách hàng.
Chiếc ghế trống ấy là ông chủ có quyền lực tối cao ở Amazon còn Bezos là người giám hộ mọi hoạt động có tác động tới nó. Ông khó chịu với những thứ khách hàng ghét: sự chậm trễ, sản phẩm gặp lỗi hay hết hàng. Vì thế, ở Amazon luôn có công cụ theo dõi để những tình trạng trên hiếm khi xảy ra. Website cũng được đảm bảo vận hành nhanh chóng vì Amazon tin thời gian tải trang chỉ trễ 0,1 giây cũng đồng nghĩa họ mất 1% hoạt động của khách hàng.
Simon Murdoch, phụ trách hoạt động của Amazon ở Anh, nhớ lại việc họ lên kế hoạch giao sản phẩm cho khách ngay trong ngày hôm sau nếu đơn đặt hàng được thực hiện trước 4h chiều. Nhưng Bezos đã yêu cầu mở rộng tới 6h rồi 7h tối dù điều này sẽ thay đổi công việc của bộ phận kho bãi. Hiện Amazon chuyển hàng trong ngày cho hầu hết các khu vực ở Anh và 10 thành phố ở Mỹ nếu giao dịch được thực hiện vào buổi sáng.
Tina Patterson, quản lý thương hiệu tại Amazon từ năm 2007 đến 2011, lại nhớ tới giây phút căng thẳng khi họ duyệt các đoạn quảng cáo cho Kindle, trong đó có hình ảnh một người đọc sách điện tử Kindle biến thành dũng sĩ đấu bò và bị con bò tung lên không trung. Mọi người cười khúc khích, trừ Bezos. Ông nói: "Tôi biết, quảng cáo rất thú vị và con bò thật ngộ nghĩnh. Nhưng khách hàng sẽ cảm thấy họ đang bị húc vào mông. Chúng ta không thể làm họ bị đau".
Một quản lý khác lại kể Bezos đòi hỏi các thùng carton đựng hàng phải bền hơn bình thường để người nhận tiếp tục dùng chúng trong các việc khác, từ đó truyền bá được hình ảnh công ty tới những khách hàng tiềm năng.
Trong kỷ nguyên mạng của xã hội, một sự cố nhỏ cũng có nguy cơ bị thổi phồng và biến thành khủng hoảng nếu những lời phàn nàn của người dùng bị lan truyền trên Twitter, Facebook. Ông chủ của Amazon đề nghị các nhà quản lý, trong đó có cả ông, làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng 2 ngày mỗi năm. Món quà mà họ nhận được sẽ là sự nhún nhường và cảm thông với khách hàng.
Những nét tương đồng với Steve Jobs
 
Điểm giống nhau dễ thấy nhất giữa Jeff Bezos và CEO quá cố của Apple chính là tầm nhìn và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng. Bezos được tạp chí Time vinh danh là "Người của năm" từ năm 1999 bởi ông đã "không đơn giản mang đến một gian hàng trực tuyến, mà còn giúp tạo nên tương lai của chúng ta". Trước thời điểm đó, chỉ có 3 người trẻ hơn Bezos (khi ấy 35 tuổi) được xuất hiện trên trang bìa của Time là phi công Mỹ Charles Lindbergh, 25 tuổi vào năm 1927, nữ hoàng Elizabeth II, 26 tuổi năm 1952 và nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr, 34 tuổi năm 1963.
Ngày 6/9/2012, Jeff Bezos lên sân khấu để giới thiệu sản phẩm mới. Giống như Steve Jobs điểm lại thành công của iPhone, iPad và chỉ trích đối thủ, gọi đó là những kẻ sao chép, Bezos cũng thẳng thừng chê bai các nhà sản xuất Android ngay trong sự kiện. Ông nói rằng lý do máy tính bảng đã thất bại trước iPad vì "chúng là những thiết bị, mà mọi người thì không cần thiết bị nữa. Họ cần dịch vụ được cải tiến theo thời gian". Ông dành 5 phút để lý giải vì sao Amazon bán máy với giá sốc: "Mỗi một khách hàng chấp nhận mua Kindle Fire tức là Amazon có thêm cơ hội bán nhiều sản phẩm khác, từ đó giá trị cuối chúng tôi đạt được sẽ lớn hơn nhiều''. 
Ông cũng không ngại ngần bày tỏ mong muốn cạnh tranh trực tiếp với iPad bằng chiến lược trình làng tablet cấu hình tốt hơn nhưng giá rẻ hơn: "Chúng tôi không chỉ sản xuất máy tính bảng tốt nhất với mức giá được đưa ra, mà chúng tôi sản xuất tablet tốt nhất với bất cứ giá nào". 
Bezos-2-jpg-1347010025-1347010056_480x0.
Amazon kỳ vọng lớn vào tương lai của Kindle Fire.
Ông còn giống huyền thoại Apple ở tuổi thơ sóng gió. Cha mẹ Steve Jobs không thể nuôi ông vì vẫn còn đang đi học và bị gia đình cấm đoán. Còn mẹ Jeff Bezos sinh ông khi mới 17 tuổi và người cha đã bỏ đi hơn một năm sau đó. Khi ông lên 5, mẹ ông đi bước nữa với Miguel Bezos, một chàng trai gốc Cuba sang Mỹ lánh nạn và cũng phải trải qua giai đoạn đầu cơ cực. Ông coi cha dượng như cha ruột, giống như tình cảm Steve Jobs dành cho cha mẹ nuôi vậy.
Theo Forbes, Jeff Bezos hiện được coi là CEO số một ở Mỹ và sự ra đi của Steve Jobs khiến ông trở thành tổng giám đốc công nghệ nhiều người mong muốn gặp nhất. "Những người tiên phong không dừng bước sau mỗi lần khám phá hoặc đổi mới. Jeff Bezos là một ví dụ tuyệt vời về một con người không bao giờ biết hài lòng trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ", Bill Gates nhận xét về CEO Amazon trên báo Time năm 2009.
Còn với Bezos, ông luôn tâm niệm: "Tại Amazon, chúng tôi ươm trồng hạt mầm và kiên nhẫn đợi mọc thành cây. Chúng tôi không quan tâm đến việc đạt được gì ngay quý tiếp theo mà chỉ muốn tập trung tạo ra những thứ tốt cho khách hàng". 
Châu An