eff Bezos - kẻ liều lĩnh và triết lý chiếc ghế trống
Tỷ phú sinh năm 1964 này hiếm khi tỏ ra do dự về chuyện kinh phí và luôn thực hiện đúng những lời ông nói với các nhà đầu tư vào Amazon từ năm 1997: "Chúng tôi sẽ thực hiện những quyết định đầu tư mạnh mẽ thay vì rụt rè một khi thấy đủ khả năng để giành lợi thế dẫn đầu thị trường".
Liều lĩnh và ưa mạo hiểm
Các nhà đầu tư muốn thu hồi vốn trong thời gian ngắn sẽ không ưa vị CEO chỉ khăng khăng làm việc mà ông nghĩ có ích cho công ty về lâu dài. Bezos đã luôn như thế trong suốt lịch sử 18 năm của Amazon và điều đó một lần nữa thể hiện qua lễ ra mắt sản phẩm ngày 6/9. Tại sao một tablet với kết nối 4G, màn hình HD, Wi-Fi kép, bộ nhớ 32 GB lại được bán giá chỉ 500 USD - bằng mức của chiếc iPad cấu hình thấp nhất?
Lý do là Bezos thấy không cần phải kiếm tiền ngay lập tức. Ông giải thích: "Chúng tôi không sinh lời từ việc khách hàng mua máy, mà từ việc họ sử dụng máy". Có nghĩa, Amazon sẵn sàng chịu lỗ trên từng sản phẩm bán ra, rồi mong đợi sẽ hưởng lợi sau khi mọi người dùng Kindle Fire để mua hàng, dịch vụ... trên hệ thống của Amazon.
![]() |
Jeff Bezos luôn đi những nước cờ mạo hiểm nhưng thông minh. |
Vậy nên người ta nói ông là người nhìn xa trông rộng nhưng không phải ai cũng dám liều lĩnh như thế. Làm sao một công ty với vô vàn áp lực kinh doanh dám tích hợp phần cứng mới nhất vào trong sản phẩm nhưng lại bán giá thấp nhất trên thị trường?
"Tôi không thích mô hình kinh doanh giúp bạn kiếm nhiều tiền trên thiết bị. Chúng tôi theo đuổi phương pháp riêng và hãy nhớ, chúng tôi chưa bao giờ cố chứng tỏ đó là phương pháp đúng. Khi đặt công việc kinh doanh ngang hàng với khách hàng, bạn sẽ thành công khi khách hàng hài lòng và chỉ thành công nếu khách hàng hài lòng. Đôi khi điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và lối tư duy dài hạn. Còn nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, bạn sẽ muốn kiếm tiền tức thì. Tôi không nói cách nghĩ đó sai. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là chúng tôi không đi theo hướng đó", Bezos chia sẻ với AllThingsD.
Từ khi còn bé, Bezos đã biết tự dùng tuốc nơ vít để tháo cũi. Lớn lên, ông biến garage của bố mẹ thành phòng thí nghiệm khoa học. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Princeton và lọt vào tầm ngắm của một số công ty tiếng tăm với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, ông đã nhìn thấy một tương lai mới trong việc sử dụng Internet cho mục đích thương mại từ năm 1994. Tháng 7/1995, công ty bán sách trực tuyến Amazon ra đời. Sự mạo hiểm và tầm nhìn dài hạn của ông đã bộc từ cách đây 18 năm khi ông nói trước với những người hùn vốn rằng họ có thể không có lợi nhuận trong một thời gian dài và 70% khả năng họ sẽ mất trắng số tiền đầu tư.
Hiện Bezos đã là một trong những người giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản 19 tỷ USD. Đầu năm 2012, Amazon đạt mốc thú vị là website của họ đã có hơn 20 triệu mặt hàng, phần lớn trong số chúng là những món đồ vụn vặt như dụng cụ khoan, giày, vợt bóng bàn... Nó không chỉ là kho sách trực tuyến khổng lồ mà Amazon hiện đồng nghĩa với tiệm bách hóa online.
Chiếc ghế trống
Jeff Bezos vui tính và hay cười. "Tôi là người hạnh phúc. Vợ tôi vẫn nói, nếu Jeff tỏ ra không vui, chỉ cần đợi thêm 5 phút nữa", CEO của Amazon đùa trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes.
Tuy nhiên, trong công việc ông lại rất khắt khe. Và khi nhiều công ty công nghệ cạnh tranh với nhau bằng chế độ đãi ngộ nhân viên, ông lại nâng niu 164 triệu khách hàng hơn 56.000 cấp dưới của mình.
Cách đây hơn một thế kỷ, nhà bán lẻ huyền thoại Marshall Field từng đấu tranh cho phương châm: "Khách hàng luôn đúng" - điều có thể người ta sẽ công nhận nhưng không phải ai cũng làm theo được. Bezos có lẽ là người thực hiện triệt để nhất tuyên ngôn đó trong kỷ nguyên số.
Các nhà quản lý ở công ty Amazon cho hay Bezos tỉ mỉ và có phần khắc nghiệt. Nhưng nhân vật tác động lớn nhất đến công việc và cuộc sống của họ lại có biệt danh "chiếc ghế trống". Bezos đặt một chiếc ghế tại bàn họp và thông báo với tất cả những người có mặt rằng ghế đó luôn có người ngồi - người đóng vai trò quan trọng nhất trong phòng họp - đó chính là khách hàng.
![]() |
Tại Amazon, ông chủ tối cao là một chiếc ghế trống đại diện cho khách hàng. |
Chiếc ghế trống ấy là ông chủ có quyền lực tối cao ở Amazon còn Bezos là người giám hộ mọi hoạt động có tác động tới nó. Ông khó chịu với những thứ khách hàng ghét: sự chậm trễ, sản phẩm gặp lỗi hay hết hàng. Vì thế, ở Amazon luôn có công cụ theo dõi để những tình trạng trên hiếm khi xảy ra. Website cũng được đảm bảo vận hành nhanh chóng vì Amazon tin thời gian tải trang chỉ trễ 0,1 giây cũng đồng nghĩa họ mất 1% hoạt động của khách hàng.
Simon Murdoch, phụ trách hoạt động của Amazon ở Anh, nhớ lại việc họ lên kế hoạch giao sản phẩm cho khách ngay trong ngày hôm sau nếu đơn đặt hàng được thực hiện trước 4h chiều. Nhưng Bezos đã yêu cầu mở rộng tới 6h rồi 7h tối dù điều này sẽ thay đổi công việc của bộ phận kho bãi. Hiện Amazon chuyển hàng trong ngày cho hầu hết các khu vực ở Anh và 10 thành phố ở Mỹ nếu giao dịch được thực hiện vào buổi sáng.
Tina Patterson, quản lý thương hiệu tại Amazon từ năm 2007 đến 2011, lại nhớ tới giây phút căng thẳng khi họ duyệt các đoạn quảng cáo cho Kindle, trong đó có hình ảnh một người đọc sách điện tử Kindle biến thành dũng sĩ đấu bò và bị con bò tung lên không trung. Mọi người cười khúc khích, trừ Bezos. Ông nói: "Tôi biết, quảng cáo rất thú vị và con bò thật ngộ nghĩnh. Nhưng khách hàng sẽ cảm thấy họ đang bị húc vào mông. Chúng ta không thể làm họ bị đau".
Một quản lý khác lại kể Bezos đòi hỏi các thùng carton đựng hàng phải bền hơn bình thường để người nhận tiếp tục dùng chúng trong các việc khác, từ đó truyền bá được hình ảnh công ty tới những khách hàng tiềm năng.
Trong kỷ nguyên mạng của xã hội, một sự cố nhỏ cũng có nguy cơ bị thổi phồng và biến thành khủng hoảng nếu những lời phàn nàn của người dùng bị lan truyền trên Twitter, Facebook. Ông chủ của Amazon đề nghị các nhà quản lý, trong đó có cả ông, làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng 2 ngày mỗi năm. Món quà mà họ nhận được sẽ là sự nhún nhường và cảm thông với khách hàng.
Những nét tương đồng với Steve Jobs
Điểm giống nhau dễ thấy nhất giữa Jeff Bezos và CEO quá cố của Apple chính là tầm nhìn và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng. Bezos được tạp chí Time vinh danh là "Người của năm" từ năm 1999 bởi ông đã "không đơn giản mang đến một gian hàng trực tuyến, mà còn giúp tạo nên tương lai của chúng ta". Trước thời điểm đó, chỉ có 3 người trẻ hơn Bezos (khi ấy 35 tuổi) được xuất hiện trên trang bìa của Time là phi công Mỹ Charles Lindbergh, 25 tuổi vào năm 1927, nữ hoàng Elizabeth II, 26 tuổi năm 1952 và nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr, 34 tuổi năm 1963.
Ngày 6/9/2012, Jeff Bezos lên sân khấu để giới thiệu sản phẩm mới. Giống như Steve Jobs điểm lại thành công của iPhone, iPad và chỉ trích đối thủ, gọi đó là những kẻ sao chép, Bezos cũng thẳng thừng chê bai các nhà sản xuất Android ngay trong sự kiện. Ông nói rằng lý do máy tính bảng đã thất bại trước iPad vì "chúng là những thiết bị, mà mọi người thì không cần thiết bị nữa. Họ cần dịch vụ được cải tiến theo thời gian". Ông dành 5 phút để lý giải vì sao Amazon bán máy với giá sốc: "Mỗi một khách hàng chấp nhận mua Kindle Fire tức là Amazon có thêm cơ hội bán nhiều sản phẩm khác, từ đó giá trị cuối chúng tôi đạt được sẽ lớn hơn nhiều''.
Ông cũng không ngại ngần bày tỏ mong muốn cạnh tranh trực tiếp với iPad bằng chiến lược trình làng tablet cấu hình tốt hơn nhưng giá rẻ hơn: "Chúng tôi không chỉ sản xuất máy tính bảng tốt nhất với mức giá được đưa ra, mà chúng tôi sản xuất tablet tốt nhất với bất cứ giá nào".
![]() |
Amazon kỳ vọng lớn vào tương lai của Kindle Fire. |
Ông còn giống huyền thoại Apple ở tuổi thơ sóng gió. Cha mẹ Steve Jobs không thể nuôi ông vì vẫn còn đang đi học và bị gia đình cấm đoán. Còn mẹ Jeff Bezos sinh ông khi mới 17 tuổi và người cha đã bỏ đi hơn một năm sau đó. Khi ông lên 5, mẹ ông đi bước nữa với Miguel Bezos, một chàng trai gốc Cuba sang Mỹ lánh nạn và cũng phải trải qua giai đoạn đầu cơ cực. Ông coi cha dượng như cha ruột, giống như tình cảm Steve Jobs dành cho cha mẹ nuôi vậy.
Theo Forbes, Jeff Bezos hiện được coi là CEO số một ở Mỹ và sự ra đi của Steve Jobs khiến ông trở thành tổng giám đốc công nghệ nhiều người mong muốn gặp nhất. "Những người tiên phong không dừng bước sau mỗi lần khám phá hoặc đổi mới. Jeff Bezos là một ví dụ tuyệt vời về một con người không bao giờ biết hài lòng trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ", Bill Gates nhận xét về CEO Amazon trên báo Time năm 2009.
Còn với Bezos, ông luôn tâm niệm: "Tại Amazon, chúng tôi ươm trồng hạt mầm và kiên nhẫn đợi mọc thành cây. Chúng tôi không quan tâm đến việc đạt được gì ngay quý tiếp theo mà chỉ muốn tập trung tạo ra những thứ tốt cho khách hàng".
Châu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét